Không chỉ có nám, lão hóa, mụn hay tàn nhang mới làm cho phụ nữ mất đi sự tự tin và ‘hạ bệ’ nhan sắc của phái đẹp, mà sẹo rỗ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nỗi ưu phiền
Sẹo rỗ gây ra mặc cảm ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống, công việc và là chướng ngại cản trở sự thành công khiến cho không ít chị em đã phải mất ăn mất ngủ vì “vị khách không mời mà đến” này.
Sẹo rỗ là gì?
Sẹo rỗ là tình trạng da xuất hiện các vết lõm sâu có kích thước, hình dạng không đồng đều trên bề mặt da nên còn được gọi là sẹo lõm hay sẹo mụn. Khi tổ chức nguyên bào sợi ở trung bì bị tổn thương, đứt gãy, không sản xuất collagen, elastin làm mất khả năng tái tạo da, không thể lấp đầy vết thương nên khi vết thương lành để lại những vết lõm trên da.
Phân loại các dạng sẹo rỗ thường gặp hiện nay
Để áp dụng các biện pháp điều trị sẹo rỗ hiệu quả, phù hợp với từng trường hợp bệnh, các bác sĩ khoa da liễu, thẩm mỹ da sẽ phân loại các dạng sẹo rỗ thường gặp hiện nay qua hình dáng như sau:
Sẹo chân đáy nhọn
Sẹo chân đáy nhọn có hình dạng như vật nhọn đâm sâu vào cấu trúc da. Sẹo thường rộng hơn 2 mm và sâu hơn 0.5 mm khiến bề mặt da lỗ chỗ, kém mịn màng. Các vết sẹo này chủ yếu là kết quả thứ phát do không điều trị mụn trứng cá dứt điểm. Đây là một trong những dạng sẹo rỗ khó điều trị.
Sẹo hình chân vuông
Sẹo hình chân vuông thường có các cạnh thẳng đứng, rộng hơn sẹo chân đáy nhọn. Chúng giống như một vết lõm lớn hoặc miệng núi lửa phổ biến ở dưới má, hàm. Những vết sẹo hình chân vuông được hình thành từ nặn mụn sai cách hoặc do hậu quả từ bệnh thủy đậu.
Sẹo hình đáy tròn
Để phân biệt loại sẹo hình đáy tròn với các loại sẹo rỗ khác, người bệnh quan sát qua các đặc điểm sau: Các vết lõm có cạnh dốc, nhấp nhô trên bề mặt như hình lượn sóng khiến da trông kém mịn màng. Sẹo hình đáy tròn hay còn được gọi là hình lượn sóng được tìm thấy nhiều ở má dưới và cằm, nơi da của bạn dày hơn.
Sẹo rỗ hỗn hợp
Lúc này tình trạng da xuất hiện tất cả các dạng sẹo rỗ đáy nhọn, chân vuông, đáy tròn… làm da kém mịn màng hơn. Vì các nốt mụn sau khi lành không có một quy tắc hình thành sẹo rỗ giống nhau. Tùy thuộc vào đó là loại mụn gì, vết viêm nhiễm đó to hay nhỏ và cơ địa mỗi người mà sau một đợt mụn thì hình thành nên các dạng sẹo rỗ khác nhau. Loại sẹo rỗ hỗn hợp này rất dễ bắt gặp ở những người có sẹo rỗ trước đó.
Nguyên nhân gây ra sẹo rỗ
Sẹo rỗ được biết đến bắt nguồn từ các loại mụn gây nên, bên cạnh đó vẫn có một số nguyên nhân gây sẹo gỗ khác như: bệnh thủy đậu, tai nạn, phẫu thuật, các bệnh lý về da…
Các phương pháp điều trị sẹo rỗ hiện nay
Theo tiến sĩ – bác sĩ Trần Thị Anh Tú, nguyên Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM: “Đối với sẹo rỗ lõm sâu cần phải thực hiện rất nhiều lần, sẹo sẽ được cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn rất khó có thể đưa da mặt trở lại như trước khi bị mụn được. Do đó tốt nhất, phải khẩn trương điều trị bằng các biện pháp phù hợp và hiệu quả ngay từ khi bắt đầu có mụn trứng cá để ngăn di chứng sẹo lõm do mụn để lại. Việc điều trị sẹo bằng laser nên được thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao (ngay khi vết thương vừa lành, mà không nên chờ đến khi ổn định hẳn, như cách làm trước đây)”.
Hiện điều trị sẹo rỗ có nhiều cách khác nhau, trong đó có các phương pháp phổ biến như:
Phương pháp Chemical peels
Phương pháp Chemical peels (Peel da hoặc thay da sinh học) dựa trên việc sử dụng các axít hữu cơ như: alpha hydroxy acid (AHA) hay beta hydroxy acid (BHA) hoặc acid trichloroacetic (TCA) kích thích quá trình bong vảy lớp biểu bì, thúc đẩy quá trình thay mới, tái tạo da. Phương pháp peels da khắc phục được nhiều vấn đề trên da như: mụn, sẹo rỗ, thâm, lỗ chân lông to… với chi phí thấp hơn so với các phương pháp trị liệu bằng công nghệ cao khác như: siêu mài mòn, laser…
Tuy nhiên, hiệu quả phương pháp này còn hạn chế, cần thực hiện nhiều lần, chỉ phù hợp với những người có da khỏe, không quá mỏng. Hạn chế sử dụng với những người có làn da nhạy cảm vì có thể gây đỏ da, sạm da…
Tạo tổn thương giả
Tạo tổn thương giả với 2 phương pháp chính: lăn kim, meso kim. Mới nhất là dùng công nghệ meso “không kim”.
Meso kim dùng các kim siêu nhỏ tác động lên lớp biểu bì da thay thế lớp tế bào cũ. Sau đó, chất dinh dưỡng được chiết xuất từ tế bào gốc, tảo biển, thực vật lên men… được tiêm vào sâu bên trong da nhằm nuôi dưỡng, tái tạo da. Meso kim chủ yếu ở tầng biểu bì da, không gây đau phù hợp với da có sẹo rỗ tình trạng nhẹ hay trung bình.
Cũng như phương pháp thay da sinh học, phương pháp này hạn chế sử dụng với những người có làn da nhạy cảm vì có thể gây đỏ da, sạm da… Để hạn chế các tác dụng phụ này nhiều người đã chọn dùng phương pháp meso “không kim” thế hệ mới. Phương pháp này phù hợp với tình trạng sẹo rỗ nhẹ, không sâu, với các sẹo lõm sâu cần kết hợp với laser để hiệu quả cao hơn.
Tái tạo bằng laser
Đây là phương pháp được khuyến khích sử dụng nhiều nhất hiện nay vì cho kết quả tối ưu và hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn. Có 2 loại tái tạo da bằng laser: Laser fractional CO2 và không xâm lấn. Tùy thuộc vào tình trạng sẹo rỗ hay tính chất da của bạn mà bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da xác định biện pháp laser nào phù hợp.
Liệu pháp laser xâm lấn fractional CO2 giúp kích thích quá trình tái tạo tế bào bên dưới vết sẹo. Sử dụng các ánh sáng laser chiếu vào các vết sẹo rỗ, đốt cháy lớp ngoài cùng tại vùng da bị sẹo và kích thích sự phát triển tế bào mới. Sau một thời gian, các vết rỗ được giảm nhẹ. Laser xâm lấn là một hình thức điều trị giúp loại bỏ lớp da bị sẹo rỗ bằng các tia laser. Tái tạo bề mặt laser xâm lấn này có thể mất vài tuần chăm sóc và phục hồi nhưng kết quả kéo dài được nhiều năm, không cần phương pháp điều trị bổ sung nào. Tuy nhiên, liệu pháp này có một số rủi ro như thay đổi màu da, mẩn đỏ và sưng tấy. Một số trường hợp, phương pháp này khiến mụn trứng cá hoặc sẹo trở nên tồi tệ hơn.
Để tiếp tục khai thác hiệu quả của laser fractional, nhưng đồng thời hạn chế tác dụng phụ, các nhà khoa học đã nghiên cứu đưa ra công nghệ laser fractional thế hệ mới với tên gọi “laser lạnh UltraClear”. Laser tái tạo da thế hệ mới này được gọi là “laser lạnh” vì chỉ có một lượng nhiệt tối thiểu tác động lên da, hạn chế cảm giác khó chịu và thời gian hồi phục. Laser lạnh là tiêu biểu cho sự phát triển lớn đầu tiên trong lĩnh vực tái tạo bề mặt bằng laser trong gần 20 năm. Đây là laser xâm lấn lạnh đầu tiên được FDA chấp thuận, thiết bị này cho phép thực hiện việc điều trị tái tạo bề mặt da với nhiều ưu điểm vượt trội: hiệu quả cao, thời gian điều trị nhanh chóng, giảm thiểu cảm giác khó chịu khi điều trị (không cần gây tê) và thời gian chờ hồi phục ngắn hơn so với các laser tái tạo da trước đây.
Lưu ý khi điều trị sẹo rỗ
Sẹo rỗ làm xuất hiện các vết lõm trên bề mặt da không chỉ ảnh hưởng đến sự tự tin mà có thể khiến da dễ lão hóa sớm.
Hiện đã có nhiều phương pháp điều trị sẹo rỗ mang lại hiệu quả cao, giúp phục hồi, tái tạo da, khiến da căng bóng, mịn màng và hạn chế tác dụng phụ, thời gian chờ hồi phục ngắn. Người bệnh nên lựa chọn địa chỉ phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện uy tín có trang bị nhiều công nghệ mới hiện đại, có bác sĩ nhiều kinh nghiệm để khám, tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng sẹo rỗ của mình để việc điều trị hiệu quả và an toàn.
Bài viết và hình ảnh được tư vấn, cung cấp bởi bác sĩ Tú, TMV Bác sĩ Tú, trung tâm Acclear