[ad_1]
Khi vừa lên 3 tuổi, kiện tướng bơi lội tại ASEAN Para Games 2023 Nguyễn Thị Sa Ri mất đôi chân sau cơn sốt bại liệt, do chưa kịp tiêm ngừa vaccine.
Một buổi sáng năm 1988, mẹ gọi Sa Ri dậy thay quần áo. Dù cố gắng thế nào, cô bé 3 tuổi vẫn không thể cử động được đôi chân. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cô bé không đi được là do sốt bại liệt. Trước đó, gia đình đã từ chối tiêm ngừa vaccine vì xót con gái có thể bị sốt sau tiêm như các bạn trong xóm.
Hành trình chạy chữa cho Sa Ri trải dài từ Long An đến Sài Gòn, thử qua mọi phương pháp Đông – Tây y. Nghe được bài thuốc nào chữa bại liệt, cha mẹ đều cố gắng mang về cho con gái. Uống rái cá, cao hầm từ động vật, châm cứu, chạy điện kích thích đều không giúp cô bé có thể đứng thẳng, dù chỉ một lần.
Chạy mượn đầu này, vay đầu kia, hy vọng cứu chữa đôi chân cho Sa Ri dừng lại khi cô lên 9 tuổi. Tiền kiếm được từ các chuyến đánh bắt cá xa bờ của cha mẹ không thể gánh thêm một khoản nợ nào nữa. Đó cũng là khi Sa Ri đi tìm con chữ.
“Lúc đó tôi chuyển về ở với ngoại. Xin đi học, ngoại không cho vì không biết học xong, tôi có thể làm gì, trong khi nhà quá túng thiếu. Lúc tuyệt vọng nhất, chị Hai giúp thuyết phục, từ đó tôi đến trường trên tấm lưng của chị”, Sa Ri nhớ lại.
12 năm đi học là “những ngày u tối” của cô bé vì thấy bản thân không giống người thường, không ai bắt chuyện. Bạn bè chạy nhảy, Sa Ri ngồi một chỗ. Một lần, một bạn nữ vô tình chạm vào chân cô thì rút tay lại ngay. “Chân người khuyết tật vốn lạnh hơn người bình thường do thiếu máu nuôi dưỡng nên có lẽ bạn sợ. Các năm học cấp 3, tôi luôn đến lớp đầu tiên và về sau cùng để bạn bè không chú ý đến đôi chân của mình. Buồn và mặc cảm nhiều lắm. Nhưng tôi nghĩ cả đời mình mới xin được đi học nên phải cố gắng”, Sa Ri kể.
Quãng đường đi học nhiều vất vả, bù lại cái tên Nguyễn Thị Sa Ri luôn được xướng lên bục nhận thưởng mỗi lần tổng kết năm học. Sau giờ học, một số bạn bè trong xóm không hiểu kiến thức lại đến nhà cô nghe giảng lại.
Năm 2006, học xong lớp 12, Sa Ri lên Sài Gòn tìm việc làm. Nhiều lượt đi lại giữa Long An – Sài Gòn nhưng không công ty nào chịu nhận một người bị hạn chế vận động. Cuối cùng một xưởng cắt chỉ quần áo nhận vào làm với số lương bằng một phần năm người bình thường. Cơ duyên với nghiệp thể thao bắt đầu khi thông qua một đồng nghiệp, cô biết đến thầy Trần Hoàng Minh – chủ nhiệm của cơ sở Mùa Xuân, chuyên hỗ trợ các hoàn cảnh khuyết tật.
Tại cơ sở Mùa Xuân, cô lần đầu biết đến bơi lội và thấy mình “được giống bao người”. Học ba ngày, Sa Ri biết bơi. Đến ngày thứ sáu, cô bơi được 50 m. Tập luyện một thời gian, thầy Minh đăng ký cho Sa Ri thi giải bơi quốc gia dành cho người khuyết tật tại Thừa Thiên Huế và giành huy chương vàng đầu tiên. Từ đó, cô tham gia đấu trường thể thao khu vực Para Games, liên tục gặt hái thành tích. Chỉ sau 5 năm đến với bơi lội, nữ vận động viên đã có hơn 25 huy chương trong và ngoài nước.
15 năm tham gia ASEAN Para Games, Sa Ri giành với vô số giải nhì, ba và huy chương vàng năm 2011. Tháng 6/2023, sau 12 năm chờ đợi, Nguyễn Thị Sa Ri lại được bước trên bục nhận giải cao nhất.
“Thể thao nâng đỡ tinh thần tôi rất nhiều. Tôi gặp được nhiều tấm gương giúp nhận ra bản thân vẫn còn quá may mắn, từ đó rũ được nỗi buồn, tự ti ra khỏi bản thân”, nhà vô địch Para Games giãi bày.
Bên cạnh bơi lội, nữ kình ngư vẫn dành thời gian hoàn thành bằng cử nhân tiếng Anh, đi làm trang trải cuộc sống và duy trì lớp học miễn phí ở Cần Đước, Long An.
Sa Ri chia sẻ giờ đây điều đáng quý nhất là sức khỏe. Chính cô là minh chứng của việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
“Tôi chưa bao giờ trách cha mẹ khi nhỏ đã không tiêm vaccine cho mình. Cha mẹ đã hết lòng với ba chị em. Tôi lấy đó làm bài học để bảo vệ con gái từ khi mang thai bé đến tận bây giờ. Có vaccine nào tốt, gia đình đều tiêm cho con, đặc biệt là vaccine ngừa bại liệt”, Sa Ri chia sẻ.
Những năm 1957 – 1959 thế kỷ trước, bại liệt từng bùng phát thành dịch lớn tại các tỉnh phía Bắc nước ta với khoảng 17.000 bệnh nhi, trong đó hơn 500 ca tử vong. Mỗi năm có hàng chục nghìn trẻ em bị di chứng liệt suốt đời. Tỷ lệ mắc lên tới 126,44/100.000 dân. Tỷ lệ này chỉ bắt đầu giảm từ năm 1962 khi Việt Nam sản xuất thành công vaccine sống giảm độc lực Sabin đường uống (OPV) ngừa bại liệt. Từ năm 1985, vắc xin này đã được đưa vào tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi trên cả nước sử dụng. Nhờ đó, Việt Nam dần đẩy lùi bệnh bại liệt.
Đến năm 2000, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Việt Nam đã khống chế được bại liệt. Gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thế giới đã ghi nhận trường hợp virus bại liệt hoang dại từ các nước lưu hành lây sang quốc gia đã thanh toán bại liệt do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ủy ban xác nhận thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã xếp Việt Nam từ nhóm các quốc gia nguy cơ thấp sang nhóm có nguy cơ cao xâm nhập bại liệt hoang dại hoặc xuất hiện các ca bại liệt do virus biến đổi di truyền, cần khẩn trương khôi phục tỷ lệ tiêm vaccine bại liệt, sởi, rubella.
Vừa qua, hành trình vươn lên sau chứng bại liệt từ năm 3 tuổi của chị Sa Ri đã đạt giải đặc biệt của cuộc thi “Tiêm ngừa – Chuyện chưa kể”. Đây là cuộc thi do Hệ
thống tiêm chủng VNVC đồng hành tổ chức nhằm góp phần lan tỏa những giá trị tích cực, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tiêm chủng vaccine đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và nâng cao miễn dịch cho cộng đồng.
“Tôi mong câu chuyện thực tế của mình là hồi chuông cảnh báo để mọi người không lơ là việc tiêm chủng phòng bệnh, không bao giờ phải nói hai từ ‘giá như’”, Sa Ri chia sẻ.
Yên Chi
[ad_2]